Phiên tòa kết thúc, bị cáo cúi đầu chào Hội đồng xét xử rồi lững thững ra về. Dáng người gầy gò như xiêu vẹo bởi những cơn gió cuối xuân. Nhìn K chúng tôi cảm nhận sâu sắc một điều: rồi đây K sẽ phải đối mặt với Tòa án lương tâm trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.
Bị cáo K sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bên dưới K còn 4 đứa em nhỏ, người mẹ tần tảo sớm đã ngã quỵ trước những khắc nghiệt của cuộc sống. Chi phí sinh hoạt trong gia đình trông cậy cả vào đồng lương công nhân ít ỏi của K và trên đôi vai của người cha già với công việc phụ hồ hằng ngày. Không may cha K bị ngã giàn giáo, liệt nửa người, phần đời còn lại của ông chỉ có thể ở trên giường bệnh. Vợ K cũng vì không chịu nỗi sự khốn khó, cơ hàn mà lặng lẽ bỏ nhà ra đi, để lại K với cậu con trai vừa tròn 5 tuổi.
Trong suốt phiên tòa, gương mặt khắc khổ, nhăn nhúm, già hơn rất nhiều so với cái tuổi 30 của K; K muốn khóc nhưng hình như cuộc sống ngoài kia đã vắt kiệt những giọt nước mắt của bị cáo mất rồi..! Khi được Chủ tọa phiên tòa hỏi về nguyên nhân gây ra tai nạn cho ông N, K ngậm ngùi, cúi đầu thừa nhận do không tập trung khi lái xe, chạy với tốc độ cao trong khu dân cư và không chú ý quan sát. Sự bất cẩn của K đã gây nên cái chết cho ông N, để lại nỗi đau cho gia đình bị hại, một sự mất mát không gì bù đắp được. Tại phiên tòa, đại diện người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, nhưng với những lỗi lầm và hậu quả mà bị cáo đã gây ra, sau khi cân nhắc nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử quyết định xử phạt bị cáo Lê Duy K mười hai tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là hai mươi bốn tháng. Suốt phiên tòa, K liên tục xin lỗi gia đình bị hại và dường như không dám đứng thẳng trước ánh mắt đau thương mà K đã gây ra cho họ.
Mười hai tháng tù nhưng cho hưởng án treo là cái giá mà K phải trả cho tội lỗi của mình, nhưng có lẽ cái giá đắt nhất mà bị cáo phải đối mặt là sự hối hận, dằn vặt, cảm giác tội lỗi cho đến hết cuộc đời…!!
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Ngọc Hà – Thư ký TAND huyện Phú Ninh